Lệnh ngưng bắn Chiến_tranh_Yom_Kippur

Quân đoàn số ba Ai Cập bị mắc kẹt

Khi lệnh ngưng bắn diễn ra, Israel mất các vùng lãnh thổ màu đỏ, nhưng giành được các vùng màu nâu tại bờ tây kênh Suez và cao nguyên Golan.

Khi lệnh ngưng bắn bắt đầu, quân Israel chỉ còn cách mục tiêu có vài trăm mét—con đường nối CairoSuez. Trong đêm đó, quân Ai Cập vi phạm lệnh ngưng bắn tại một số nơi, phá hủy chín xe tăng Israel. Để đáp lại, David Elazar yêu cầu được tiếp tục tiến đánh về hướng nam, và được tướng Moshe Dayan chấp thuận.[45] Quân Israel hoàn tất cuộc tiến công, đánh chiếm con đường này, khiến quân đoàn ba Ai Cập có nguy cơ mắc kẹt lại tại bờ đông của kênh đào Suez.

Sáng hôm sau, ngày 23 tháng 10, các hoạt động ngoại giao hối hả tiếp diễn. Máy bay trinh sát của Liên Xô xác nhận quân Israel tiếp tục di chuyển về phía nam, và phía Liên Xô cáo buộc Israel phản trắc. Trong cuộc hội đàm qua điện thoại với bà Golda Meir, Henry Kissinger hỏi, "Làm thế nào mà người ta có thể biết được một giới tuyến tồn tại ở đâu trong sa mạc?" Meir trả lời, "Họ biết cả thôi." Kissinger biết được tin về đạo quân Ai Cập bị bao vây không lâu sau đó.[46]

Thực ra tình thế vẫn chưa phải là quá xấu với Ai Cập. Tuy Israel có bao vây được 30.000 quân của quân đoàn số 3, nhưng quân đoàn này vẫn duy trì được hàng ngũ và chưa tan vỡ. Ngoài ra, lực lượng Ai Cập vẫn còn quân đoàn số 2 với 40.000 quân đóng ở bờ tây kênh Suez, quân đoàn này vẫn có trang bị mạnh và đang giữ vững chắc vị trí của mình, chỉ cách vị trí quân đoàn 3 khoảng dăm chục km. Ai Cập hoàn toàn có thể sử dụng Quân đoàn số 2 và số 3 để tấn công từ 2 phía nhằm kết nối thành một tuyến thống nhất, nếu thành công thì không những quân đoàn 3 được giải cứu, mà chính quân Israel sẽ bị bao vây ngược. Ở mặt trận Golan, Syria cũng đang chuẩn bị cho cuộc phản công lớn sẽ buộc Israel phải rút bớt quân khỏi mặt trận Ai Cập. Nhưng đến lúc này, các lãnh đạo Ai Cập đã tỏ ra bạc nhược. Thay vì dồn sức quyết chiến, họ quay sang cầu cứu Liên Xô và Mỹ. Lãnh đạo Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev đã lên tiếng đe dọa sẽ đem quân tham chiến để bảo vệ Ai Cập và điều này có thể tạo nên một cuộc thế chiến thứ ba, cùng với việc trấn an đồng minh Syria rằng Liên Xô sẽ chặn quân Israel khỏi Damacus bằng một lệnh ngừng bắn.

Kissinger nhận thấy tình hình rất có lợi cho Hoa Kỳ— Ai Cập phụ thuộc vào thiện chí của Mỹ để ngăn Israel bao vây Quân đoàn số 3, cắt đứt tiếp tế lương thực và nước cho quân đoàn này. Tình hình có thể được đàm phán để Mỹ đứng ra làm trung gian hòa giải xung đột, tách Ai Cập ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Liên Xô.

Ngày 28/10, dưới sức ép của Mỹ, Israel đã đồng ý cho Ai Cập chuyển thực phẩm và thuốc men cho quân đoàn số 3 đang bị mắc kẹt. Ngày hôm sau, Syria ngừng chiến.

Mặt trận phía bắc dịu đi

Tại mặt trận phía bắc, quân Syria chuẩn bị một cuộc phản kích lớn vào ngày 23 tháng 10, huy động 5 sư đoàn của Syria, có hai sư đoàn Iraq và các đơn vị nhỏ từ các quốc gia Ả Rập khác, bao gồm cả Jordan. Liên Xô cũng bổ sung để bù đắp cho các tổn thất xe tăng mà quân Syria bị mất trong vòng hai tuần đầu chiến cuộc.

Tuy nhiên, một ngày trước khi cuộc phản công diễn ra, Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh ngưng bắn, và cả Israel lẫn Ai Cập đều tuân thủ. "Việc Ai Cập chấp thuận lệnh ngưng bắn vào thứ hai [22 tháng 10] đặt Assad vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông ta không bị bó buộc bởi lệnh ngưng bắn, nhưng không thể phớt lờ ảnh hưởng của nó. Một số người trong Bộ chỉ huy Syria muốn tiến hành tấn công, lý luận là Ai Cập cũng sẽ buộc phải tiếp tục chiến đấu. Những người khác tuy vậy lại cho rằng việc tiếp tục giao chiến sẽ hợp pháp hóa việc Israel tiêu diệt quân đoàn số ba Ai Cập. Trong trường hợp đó, Ai Cập sẽ không hỗ trợ cho Syria một khi Israel đánh tổng lực ở mặt trận phía bắc, phá hủy cơ sở hạ tầng, thậm chí tấn công cả Damascus"[47]

Cuối cùng, tổng thống Assad quyết định bãi bỏ lệnh tấn công, và ngày 23 tháng 10, Syria tuyên bố chấp thuận ngưng bắn, chính phủ Iraq hạ lệnh cho quân của mình trở về.

Một vài tuần sau đó, vào ngày 11/11, Ai Cập và Israel nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn do Sadat và Kissinger soạn thảo, nhưng phía Syria từ chối đặt bút ký, bởi thỏa thuận này không buộc Israel trao trả cho Syria bất cứ vùng lãnh thổ nào bị họ chiếm đóng.

Thực chất, Syria đã bị đồng minh Ai Cập đối xử theo lối "qua cầu rút ván". Ai Cập động viên họ cùng tham chiến chống Israel để giành lại lãnh thổ, nhưng khi chiến sự có chiều hướng bất lợi, lãnh đạo Ai Cập đã không kiên trì chiến đấu như Syria mà lại nản chí, muốn bỏ cuộc giữa chừng. Ai Cập tự đình chiến sau khi đã được Mỹ và Israel hứa hẹn về lợi ích cho riêng mình (thu hồi lại được bán đảo Sinai và kênh đào Suez). Khi chỉ còn một mình Syria thì họ không thể đủ lực lượng đánh thắng Israel. Vậy là dù chiến đấu tốt hơn Ai Cập nhưng Syria lại chẳng thu được lợi ích gì sau cuộc chiến.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Yom_Kippur http://www.ariel-sharon-life-story.com/10-Ariel-Sh... http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/episodes/17/1... http://www.defencejournal.com/2002/nov/4th-round.h... http://www.flickr.com/search/?q=October+War+Panora... http://books.google.com/books?id=z58nmWqS94MC&prin... http://www.historynet.com/magazines/military_histo... http://www.isracast.com/Articles/Article.aspx?ID=2... http://www.isracast.com/yk/stage.swf http://info.jpost.com/C003/Supplements/30YK/art.23... http://www.newsflavor.com/World/Middle-East/The-Bi...